Nội thất
03.08.2023
Tác giả: Tdarch
Nội thất
03.08.2023
Tác giả: Tdarch
Phòng khách vốn được xem là trái tim của căn nhà, nơi gia chủ dành phần lớn thời gian cho gia đình hay đón tiếp khách quý, đó cũng là nơi thể hiện rõ nét phong cách sống và gu thẩm mỹ của chủ nhân. Trong những món nội thất cho phòng khách, sofa là vật không thể thiếu.
Chọn sofa phòng khách sao cho hòa hợp với không gian, tối ưu diện tích nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và tiện ích đôi khi không hề đơn giản. Bài viết dưới đây mang đến một vài gợi ý mua sofa phòng khách nhỏ mà bạn có thể tham khảo.
Tốt nhất, bạn nên đo kích thước phòng khách trước khi đặt mua bộ sofa. Phòng khách quá rộng hay quá nhỏ đều sẽ khiến bộ bàn ghế sofa trông kì quặc nếu chúng không có cùng kích thước tương xứng. Khi đo kích thước căn phòng chính xác, bạn có thể an tâm đặt mua sofa với kiểu dáng và chất liệu phù hợp.
Nếu phòng khách có diện tích lớn, một bộghế sofa góc hoặc sofa chữ L sẽ cung cấp thêm không gian chỗ ngồi cho mọi người. Các thiết kế chữ L và bố trí trong góc tường sẽ giúp bạn tiết kiệm được không gian đáng kể.
Trong khi đó, sofa đơn đặc biệt phù hợp với phòng khách nhỏ, ví dụ như trong căn hộ studio. Bạn có thể sắp một hoặc hai chiếc ghế đơn, đặt chúng vào góc phòng cũng rất ổn.
Sofa có lưng thấp sẽ giúp “ăn gian" không gian, tạo cảm giác phòng khách rộng hơn. Bạn có thể bố trí ở góc hoặc chính giữa phòng đều tạo được hiệu ứng không gian sống sinh động. Bên cạnh đó, trường hợp nhà bạn quá chật, một bộ sofa gỗ phòng khách nhằm mục đích trang trí cũng đã là rất tuyệt vời cho không gian thêm bừng sáng rồi. “Liệu cơm gắp mắm" chính là bí quyết chính ở đây.
Nói về chất liệu cho bàn ghế sofa phòng khách, khung sofa có thể được làm từ gỗ hoặc khung kim loại. Ưu điểm của gỗ là độ bền cao, chắc chắn nhưng khó tạo hình hơn. Sofa gỗ thường được xem là điểm nhấn phong cách vô cùng sang trọng cho phòng khách. Khung sofa kim loại có ưu điểm là rẻ hơn, dễ uốn cong tạo thành nhiều kiểu dáng độc đáo, nhưng bù lại độ bền và chịu lực không cao.
Bàn ghế sofa phòng khách làm từ da xứng đáng nằm trong top đầu chất liệu bởi sự tinh tế vượt thời gian, toát lên sự sang trọng và đẳng cấp khó so bì. Da bò hay da bê có ưu điểm bề mặt bóng mịn, dễ vệ sinh vì không thấm nước. Chất liệu da lại không làm hầm nóng lưng nên luôn mang lại cảm giác êm ái, thoải mái nhất cho chủ nhân.
Bộ sofa phòng khách làm từ vải, nỉ thì có màu sắc đa dạng, hoa văn cực kì phong phú, phù hợp với gia chủ yêu thích sự phá cách cho nội thất phòng khách. Vải nỉ cũng khá dễ vệ sinh, lại có giá thành phải chăng nên cũng là một lựa chọn chất liệu đáng cân nhắc. Nhược điểm lớn nhất chính là vô cùng dễ thấm nước, tạo nên ẩm mốc, vì vậy bạn phải chú ý tránh làm đổ nước lên chất liệu này.
Simili hay giả da là sự thay thế tốt cho sofa phòng khách làm từ chất liệu thuần da. Simili cũng rất bền, giá thành lại rẻ nên phù hợp cho gia chủ với tài chính vừa phải. Nhược điểm của sofa giả da có lẽ là nóng lưng hơn so với da thật, tuy nhiên điều này cũng không quá đáng kể nếu so với ưu điểm mà chất liệu này mang lại.
Màu sắc là một yếu tố rất quan trọng trong thiết kế sofa phòng khách, nó ảnh hưởng đến cảm xúc và tạo nên phong cách của không gian sống. Chọn những gam màu sáng cho bộ bàn ghế sofa phòng khách thường sẽ khiến căn phòng trông thoáng đãng và rộng rãi hơn, đặc biệt nếu bạn khéo léo mix-match giữa các tông màu trắng và pastel.
Màu đen dành cho bộ sofa sẽ tạo cảm giác sang trọng và quyền lực, nhất là nếu chất liệu sofa là da. Bạn nên thử kết hợp sofa đen với nội thất, tường trắng-xám để tạo sự cân bằng, tránh cảm giác quá tối cho phòng khách. Hoặc bạn có thể khoác áo màu xám cho bàn ghế sofa, màu xám tượng trưng cho sự hiện đại, thanh lịch, lại rất dễ phối với các màu trung tính khác như xanh, xanh lá nhằm mang lại sự ấm cúng, thân thiện nơi phòng khách căn nhà.
Để đảm bảo bộ ghế sofa phòng khách luôn ở trạng thái sạch sẽ tươm tất, việc vệ sinh định kì trong vòng 3 - 6 tháng một lần là cần thiết. Một số mẹo hay khi vệ sinh, làm sạch sofa mà bạn cần lưu tâm là:
- Nên thường xuyên hút bụi và xử lý các vết bẩn mới bám càng sớm càng tốt.- Tránh, hạn chế làm đổ chất lỏng lên sofa, nhất là các dung dịch có mùi và bám chất ngọt, chất khó bay hơi.
- Nếu lỡ làm đổ, bạn hãy sử dụng khăn giấy hoặc khăn lau để thấm những vết ướt, tránh để sofa bị ẩm và cọ xát mạnh.
- Nếu các vết bẩn đã cũ hoặc quá nghiêm trọng thì bạn nên tìm đến các dịch vụ giặt ghế sofa chuyên nghiệp để xử lý nhằm đảm bảo chất lượng của bộ sofa.
Thật sự thì không có một mốc thời gian chuẩn nào để gia chủ xem bộ sofa của mình là đã “hết date", dù lý thuyết thì một bộ bàn ghế sofa nếu được giữ trong điều kiện tốt, có thể phục vụ gia đình bạn từ 7 tới 15 năm là bình thường.
Việc thay một bộ sofa mới có đôi lúc là một chuyện rất chủ quan, tuỳ theo gu và sở thích cá nhân hơn là tình trạng thật của ghế sofa. Bạn có thể nghĩ tới chuyện thay mới nếu như:
- Bạn bắt đầu nghe tiếng ồn khi ngồi ghế: đó có thể là do ghế đã xuống cấp, cấu trúc ghế bắt đầu xê xích, không còn vững chắc như ban đầu.
- Đệm ghế bị trồi lên: đó là dấu hiệu ghế đã không còn bằng phẳng êm ái cho sự tiện nghi của bạn nữa rồi.
- Ghế có mùi hôi hoặc gây cảm giác ngứa ngáy: đây là điều hay gặp khi nhà bạn có trẻ nhỏ hoặc thú cưng. Những thức ăn vương vãi hoặc lông thú nếu không được vệ sinh kĩ càng sẽ để lại mùi và sinh vi khuẩn. Trường hợp làm vệ sinh mãi mà vẫn không hết, thì đã tới lúc bạn suy nghĩ tới việc thay mới chiếc sofa.
- Gu của bạn thay đổi: lí do mang tính cá nhân nhất đó chính là sở thích, phong cách, cảm giác gắn bó của bạn với chiếc sofa cũ đã thay đổi. Bạn muốn một chiếc ghế sofa êm ái hơn, bạn đã chuyển nhà, bạn muốn một màu sắc khác, v.v. Thế thì đổi ghế thôi!
Thay lời kết, một mẹo nhỏ cuối cùng, đó chính là hãy lựa chọn sản phẩm của các đơn vị cung cấp uy tín, có kinh nghiệm và tiếng tăm nhất định. Họ sẽ có chế độ chăm sóc khách hàng sau bán hàng tốt, việc bảo hành, đổi trả sản phẩm cũng dễ dàng hơn.
Hi vọng những chia sẻ trên đây của TD architects sẽ giúp bạn chọn được bộ sofa phòng khách ưng ý nhất cho tổ ấm của mình.